Chị Tô Thị Bích Huệ (32 tuổi) ở xã Nhơn Hải, Tp Quy Nhơn, Bình Đình cho biết, chị làm nghề đồng nát ve chai đã 4 năm. Một ngày trước đây của chị bắt đầu từ tờ mờ sáng đến chiều muộn mới trở về. Ngày nhiều chị bán được 100.000 tiền phế liệu, có ngày không.
Người phụ nữ này cho biết mặc dù là người đi gom rác nhưng chị cũng chỉ bới để nhặt được những gì có thể bán được như hộp nhựa, vỏ thiếc… còn lại thì mặc kệ.
Chị Tô Thị Bích Huệ trao đổi với phóng viên
“Sau khi được Hội phụ nữ mời tham gia dự án, tôi được đi tập huấn nên cũng mở mang kiến thức về môi trường hơn, có ý thức hơn đối với rác thải.Từ đó, nếu đi đường thấy có rác thải tái chế thì tôi gom lại, về nhà cũng thực hành phân loại rác trong gia đình.
Điều vui hơn nữa là khi tham gia dự án, ngoài việc tập huấn, cung cấp kiến thức, làm việc nhóm, giao lưu với các chị em lại còn được cho vay vốn, tặng cân, áo mưa, xe đạp… Công việc được cải thiện nhiều hơn, thu nhập 3-4 triệu tháng”, chị Huệ tâm sự.
Cùng nghề như chị Huệ, chị Hà Thị Điền (62 tuổi, TP Hạ Long, Quảng Ninh) cho biết thêm, bên cạnh những lợi ích khi tham gia dự án như: được vay vốn không lãi suất, được tặng xe đạp, bảo hộ lao động, được trang bị kiến thức về rác thải, phân loại rác thải… điều chị vui hơn cả là không còn cảm giác “bị bỏ lại phía sau”.
“Làm cái nghề nhặt rác vốn đã bị coi là dưới đáy xã hội rồi. Nhưng khi tham gia thấy có “đồng đội”, cùng đoàn kết thương yêu nhau hơn, yêu đời hơn. Từ những kiến thức mà dự án cung cấp, chúng tôi ngoài việc thực hành trong chính gia đình mình còn tiếp tục vận động bà con, hàng xóm tham gia phân loại rác thải ngay tại nhà”, chị Điền cho hay.
Đây là 2 trong số hơn 1.800 công nhân xử lý rác thải phi chính thức được tập huấn và hơn 80 phụ nữ làm nghề đồng nát, ve chai ở 5 tỉnh, thành phố được vay vốn không lãi suất mà phóng viên tiếp xúc tại một hội thảo diễn ra ở Hà Nội vào ngày 25/11.
Họ là những người tham gia vào dự án “Nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý chất thải sinh hoạt và nhựa tại 5 thành phố”, gồm: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Định, Bình Thuận, và Bình Dương do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Đại sứ quán Na Uy và Hội liên hiệp phụ nữ, Hội nông dân 5 tỉnh, thành phố phối hợp thực hiện.
Ngoài các mô hình tại 5 thành phố, dự án cũng đã hỗ trợ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, thông qua việc hoàn thiện chính sách và kêu gọi các bên tham gia thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Chính thức triển khai từ tháng 8/2020, đến nay, sau ba năm thực hiện, 5 mô hình quản lý rác thải sinh hoạt quy mô nhỏ hiệu quả đã được phát triển tại 5 thành phố.
Theo đánh giá của BQL dự án, nhận thức của người dân và sự tham gia của các bên liên quan trong việc giảm lượng nhựa sử dụng một lần và tăng cường quản lý rác đã tăng lên 40%. Hơn 100 quy định về sản xuất và tiêu thụ nguyên vật liệu bền vững đã được thông qua. Hơn 100 tàu du lịch tại Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh đã cam kết không sử dụng đồ nhựa sử dụng một lần.
Ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP cho biết, công nhân xử lý chất thải, đặc biệt là lao động khu vực phi chính thức, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống quản lý chất thải và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Họ dễ bị tổn thương và chịu một số rủi ro, chẳng hạn như khi thu gom rác thải sẽ có khả năng tiếp xúc với vật liệu độc hại và chất thải y tế.
“Do đó, điều cần thiết là công nhân xử lý chất thải cần phải được bảo vệ, hỗ trợ các trang thiết bị cơ bản, được đào tạo nâng cao nhận thức, đồng thời cũng cần được nhận diện rõ ràng trong hệ thống quản lý chất thải.
Chúng tôi đã hỗ trợ tổ chức hơn 35 khóa đào tạo cho hơn 1.800 công nhân xử lý rác thải phi chính thức, chủ yếu là phụ nữ và thành lập năm quỹ tín dụng nhỏ, tất cả điều này dẫn đến thu nhập của họ tăng lên ít nhất 20% so với trước dự án”, ông Patrick Haverman thông tin.
Quản lý chất thải sinh hoạt là một mối quan tâm lớn ở nước ta vì lượng chất thải phái sinh đang tăng với tốc độ chưa từng thấy và dự kiến tăng gấp ba lần trong 15 năm tới. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng trở thành nước sản xuất và tiêu thụ nhựa lớn với mức tiêu thụ nhựa tăng vọt (từ 3,8kg/người năm 1990 lên 41,3kg/người/năm 2018). Điều này gây tác động tiêu cực đến môi trường và sức khoẻ con người.
Hiện tại, ở nước ta 70% rác thải được xử lý tại các bãi chôn lấp, nơi các tiêu chuẩn môi trường còn được thực hiện hạn chế, phần còn lại được xử lý bằng hình thức đốt hoặc thải ra môi trường. |
Nguồn: N.Huyền (infonet)