Gắn kết kinh tế tuần hoàn và kinh tế số để phát triển bền vững

(TN&MT) – Kinh tế tuần hoàn (KTTH) và kinh tế số (KTS) là dạng thức và mô hình hoạt động phát triển mới, là xu hướng phát triển hiện đại mang tính chất chiến lược của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Việc gắn kết chúng với nhau là bước đi cần thiết để tiến tới hội nhập KTTH số, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và xanh.

Kinh tế tuần hoàn và Kinh tế số đang phát triển “lệch nhịp”

Mô hình KTTH là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ đều nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Thực tế áp dụng mô hình KTTH ở nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam cho thấy, bên cạnh lợi ích về môi trường, nó còn đem lại nhiều lợi ích và cơ hội về kinh tế và xã hội.

6(1).jpg

Gắn kết phát triển KTTH và KTS hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và xanh.

Kinh tế số là nền kinh tế liên quan đến công nghệ số. Kinh tế số có 5 đặc điểm chính là: Số hóa – Kết nối – Chia sẻ – Cá nhân hóa – Trực tiếp. Các đặc điểm này là cơ sở cho gắn kết KTS và KTTH. Trong đó: Số hóa để mô phỏng các dòng vận động của tài nguyên thiên nhiên, năng lượng và chất thải, qua đó, giúp tối ưu hóa sự vận động theo hướng giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường; Kết nối và Chia sẻ để gia tăng các nhu cầu và cơ hội thực hiện các hoạt động KTTH; Cá nhân hóa và Trực tiếp giúp làm giảm các chi phí gián tiếp như tìm kiếm, giao dịch, vận chuyển, quản lý,… trong thực hiện KTTH.

Theo PGS.TS Nguyễn Danh Sơn – Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, sự gắn kết KTTH và KTS có thể được hiểu là thực hiện KTTH trong môi trường số. KTTH khi được số hóa sẽ trở thành cách thức mới để phát triển bền vững, “xanh” cả về quy mô, mức độ và tốc độ. Trong bối cảnh phát triển của nước ta, sự gắn kết này là nước đi ban đầu, cần thiết và tất yếu trong quá trình tiến tới KTTH số.

Tuy nhiên, trên thực tế, các mô hình KTTH và KTS vẫn còn đang được tạo lập, phát triển một cách tách rời nhau, “lệch nhịp” nhau, chưa thực sự gắn kết với nhau. Cả 2 mô hình này đều có những thuận lợi, cơ hội, khó khăn và thách thức. Trong đó, cơ hội và thuận lợi lớn nhất là cả hai mô hình đều đang có xu hướng, trào lưu phát triển tại tất cả các quốc gia trên thế giới. Việt Nam cũng đã có nền tảng, cơ sở pháp lý ban đầu cho việc phát triển các mô hình KTTH và KTS; Các quy định pháp lý về KTTH và KTS đều dựa trên quan điểm chỉ đạo chung là đặt các hoạt động phát triển trên nền tảng số hóa. Ngoài ra, các mô hình KTTH và KTS cũng đem lại những lợi ích về kinh tế cho các bên liên quan, nhất là các doanh nghiệp.

Tạo hệ sinh thái phù hợp gắn kết KTTH và KTS

Bên cạnh những thuận lợi, cơ hội cũng có không ít các vấn đề đặt ra đối với gắn kết phát triển KTTH và KTS ở nước ta. Đó là nhận thức về KTTH và KTS còn chưa đầy đủ. Một nghiên cứu công bố năm 2021 về nhận thức của doanh nghiệp vừa và nhỏ về KTTH cho thấy, nhận thức về vấn đề này chỉ ở mức trung bình (3,57/5 điểm). Đáng chú ý, nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ ý kiến doanh nghiệp bày tỏ thái độ trung lập (không đồng tình cũng không phản đối) áp dụng mô hình KTTH là khá cao về các hiệu quả mà KTTH mang lại cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp được khảo sát đều hiểu những thách thức gây ra bởi sự khan hiếm tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng tới doanh thu và tăng trưởng kinh doanh của mình. Tuy nhiên, chưa có doanh nghiệp nào trong số này cho biết rằng họ có những kế hoạch để nâng cao nhận thức và áp dụng thực hành sản xuất thân thiện với môi trường, những dự án liên quan đến việc quản lý môi trường hay phúc lợi xã hội trong công ty của mình.

Thách thức tiếp theo, còn thiếu hệ sinh thái phù hợp cho gắn kết phát triển KTTH và KTS, bao gồm: chính sách, các nguồn lực, thị trường, văn hóa, và sự hỗ trợ; cùng với đó, Việt Nam chưa xây dựng được nền tảng số cho KTTH.

Từ thực trạng trên, PGS.TS Nguyễn Danh Sơn khuyến nghị, cần tăng cường nhận thức về KTTH số cùng với KTS, nhất là đối với doanh nghiệp. Tạo dựng hệ sinh thái phù hợp cho gắn kết phát triển KTTH và KTS. Trong đó, Nhà nước có trách nhiệm chính về chính sách và thể chế: cần sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan, thay đổi các công cụ quản lý, nhất là các công cụ kinh tế như thuế, phí, quỹ, tài chính, tín dụng,… để khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư, cung cấp; Doanh nghiệp có trách nhiệm đảm bảo nguồn lực cho phát triển theo hướng “xanh”, tuần hoàn.

Cùng với việc phát triển công nghiệp môi trường dựa trên nền tảng số, phải kết nối xây dựng nền tảng số KTS và KTTH. Trên cơ sở chủ trương và định hướng chung về chuyển đổi số quốc gia, cần thiết bổ sung nội dung về chuyển đổi số ngành công nghiệp môi trường, trong đó, xây dựng nền tảng số là trọng tâm cốt lõi, để có thể sớm kết nối và hội nhập với nền tảng số ngành công nghiệp cũng như của quốc gia.

Nguồn: Hoàng Ngân, Báo TN&MT

Chia sẻ

(116)