Phát triển Kinh tế tuần hoàn – Yêu cầu tất yếu của phát triển bền vững trong bối cảnh mới

Trong bối cảnh phát triển kinh tế và hội nhập, thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu. Phát triển bền vững là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của mọi quốc gia. Cùng với kinh tế xanh và kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn chính là giải pháp hướng tới phát triển bền vững. Việc thúc đẩy hành động theo mô hình kinh tế tuần hoàn góp phần thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0”, qua đó mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia, cộng đồng và doanh nghiệp.

Là mục tiêu xuyên suốt và quan trọng để doanh nghiệp duy trì thực hành mô hình kinh tế tuần hoàn, khái niệm phát triển bền vững được đưa vào khung chương trình của Khoá đào tạo Xây dựng năng lực kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp và được chia sẻ bởi TS. Nguyễn Thị Xuân Thắng – chuyên gia về Phát triển bền vững, Sản xuất và Tiêu dùng bền vững.

Tại buổi học, TS. Nguyễn Thị Xuân Thắng đã chia sẻ xu thế tất yếu phát triển bền vững từ góc nhìn quốc tế, của quốc gia và doanh nghiệp, các khái niệm liên quan về phát triển bền vững.

Theo đó, phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa 3 trụ cột của phát triển, gồm: phát triển kinh tế (tập trung vào tăng trưởng kinh tế), phát triển xã hội (tập trung vào thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm) và bảo vệ môi trường (tập trung vào xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; phòng chống cháy và chặt phá rừng; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên).

Sau khi được nghe về xu thế tất yếu, khái niệm và những lợi ích mà phát triển bền vững đem lại, các doanh nghiệp đã tích cực chia sẻ kinh nghiệm, mô hình phát triển của doanh nghiệp mình. Có doanh nghiệp đã và đang đảm bảo được sự phát triển bền vững, có doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc cân bằng giữa phát triển kinh tế – thực hiện trách nhiệm xã hội – và bảo vệ môi trường.

 

Kinh tế tuần hoàn có mối liên hệ với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) trong Chương trình nghị sự 2030 đã được các quốc gia thông qua vào năm 2015, như chấm dứt mọi hình thức đói nghèo, các thành phố và cộng đồng bền vững, thúc đẩy công nghiệp hóa, tăng trưởng bao trùm và bền vững, đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững, ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai…

Nguyễn Thị Xuân Thắng cũng chỉ ra rằng, một trong những cách tiếp cận quan trọng của kinh tế tuần hoàn chính là sản xuất và tiêu dùng bền vững (SCP). Sản xuất bền vững được hiểu là việc khai thác các nguồn tài nguyên một cách kinh tế và hiệu quả hơn, giảm lượng chất thải và bảo vệ môi trường, trong khi tiêu dùng bền vững là tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ đáp ứng các nhu cầu một cách hiệu quả, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực về môi trường, xã hội và kinh tế. Việc thay đổi nhận thức và hành động về phát triển bền vững cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp và tổ chức quốc tế.

Cũng tại Hội nghị COP26 diễn ra ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh vào tháng 11/2021, Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, thể hiện rõ tất yếu phát triển bền vững là xu thế trong tương lai, các doanh nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ nhiều để đạt mục tiêu phát triển bền vững, song, khó khăn ban đầu về mặt kinh tế khi chuyển đổi để phát triển khiến các doanh nghiệp không khỏi lo ngại.

Chính vì vậy, TS. Nguyễn Thị Xuân Thắng nhấn mạnh tầm quan trọng của kế hoạch phát triển bền vững cho doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp khởi nghiệp. Doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh cần đặt ra tiêu chuẩn đạo đức phát triển kinh doanh, thực hiện trách nhiệm xã hội,… để có thể xây dựng được lòng tin và sự trung thành từ người tiêu dùng & những người tham gia thị trường.

“Các doanh nghiệp cần quan tâm đến lộ trình và nguồn lực khi định hướng phát triển bền vững. Điều này phụ thuộc rất lớn vào mô hình phát triển của doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại. Các doanh nghiệp sản xuất lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chịu nhiều tác động khó đoán định của hiện tượng khí hậu cực đoan, đang muốn mở rộng quy mô (scale up) và tăng trưởng (growth) thì tác động đến xã hội cũng như vấn đề môi trường sẽ lớn hơn, cân bằng phát triển bền vững sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Vì thế, có kế hoạch và kỳ vọng phát triển bền vững phù hợp với giai đoạn phát triển doanh nghiệp là điều quan trọng. Áp dụng các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, kinh tế tuần hoàn là yêu cầu tất yếu của phát triển bền vững trong bối cảnh mới”.

Chia sẻ

(90)