Là chuyên gia từ Đại học Kinh tế Quốc dân, TS. Nguyễn Công Thành đã chia sẻ về chủ đề “Cơ hội sinh lời từ thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam” trong Khóa đào tạo “Xây dựng năng lực kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp”. Nội dung chia sẻ với các doanh nghiệp đã bao hàm nhiều kiến thức và thông tin cập nhật về những thuận lợi đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Đầu tiên, với độ mở của nền kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp đã, đang và sẽ có nhiều cơ hội sinh lời từ hoạt động mở rộng thương mại quốc tế. Gần đây nhất, Hiệp định thường mại EU – Việt Nam (EVFTA) đã bắt đầu có hiệu lực từ 01/08/2020. Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với khi không có hiệp định. Là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Hiệp định EVFTA có chương nội dung dành riêng cho các yêu cầu về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Tại Châu Âu, với các quy định về sản phẩm bền vững (Sustainable Products Regulations), việc thực hiện Kinh tế tuần hoàn đã và đang là chuẩn mực của hoạt động sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường. Chính vì vậy, một khi doanh nghiệp ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào quá trình sản xuất sản phẩm, tạo ra các sản phẩm đáp ứng tính bền vững, thì cơ hội mở rộng thị trường, gia tăng lợi nhuận thông qua xuất khẩu quốc tế sẽ có nhiều thuận lợi và tiềm năng lớn.
Song song với đó, trong quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam hậu Covid, việc ưu tiên thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn cũng tạo nên những cơ hội kinh doanh sinh lời rất đáng quan tâm. Quyết định 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam thể hiện rõ sự ưu tiên thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Cuối cùng, quá trình phục hồi hậu Covid-19 mở ra cơ hội tái định hình doanh nghiệp, đây chính là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp xem xét lại các lĩnh vực ưu tiên, tìm kiếm sự khác biệt trong chuỗi giá trị, đào tạo nhân viên theo cách vận hành mới, mà việc thực hiện kinh doanh theo mô hình kinh tế tuần hoàn là một sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp xu hướng phát triển trong nước và quốc tế.
Với sự ưu tiên phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp không hề đơn độc trong quá trình chuyển đổi thực hiện kinh tế tuần hoàn. Từ nội dung chia sẻ của TS. Nguyễn Công Thành, doanh nghiệp còn có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh, quỹ bảo vệ môi trường, trái phiếu xanh… – những nguồn tài chính tiềm năng, giải quyết khó khăn về nguồn vốn trong thời gian đầu tư chuyển đổi ban đầu.
Thú vị nhất từ chương trình chính là phần chia sẻ những mô hình kinh tế tuần hoàn điển hình đang triển khai cụ thể ở Việt Nam và trên thế giới. Các ví dụ trực quan về kinh tế tuần hoàn khiến các doanh nghiệp vô cùng thích thú, mong muốn tìm hiểu, sáng tạo để ứng dụng các mô hình mới vào doanh nghiệp của mình.