Vinamilk đưa kinh tế tuần hoàn vào các trang trại triệu đô

Bước chân vào trang trại Vinamilk tại Tây Ninh, không gian rộng bạt ngàn màu xanh và bầu không khí trong lành, sảng khoái dễ khiến khách tham quan quên rằng đang đứng ở “trang trại chăn nuôi” với quy mô đàn bò lên đến 8.000 con. Không có mùi khó chịu từ chất thải đàn bò, không có nước thải xả trực tiếp ra môi trường, “resort” bò sữa rộng gần 700 hecta này nổi lên như một ốc đảo xanh mát với không gian khoáng đãng giữa vùng đất Bến Cầu nắng nóng quanh năm.

Tại đây, chất thải gia súc được thu gom bằng hệ thống hiện đại, đưa vào xử lý với công nghệ Biogas. “Đầu ra” của quy trình này là phân bón, nước, khí đốt sẽ trở thành “đầu vào” của một vòng tuần hoàn mới, phục vụ lại cho hoạt động của trang trại. Chu trình này là một đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn, được Vinamilk áp dụng đồng bộ trong hệ thống các trang trại trên toàn quốc.

Kinh tế tuần hoàn từng thành công ở nhiều quốc gia phát triển như Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Canada, Nhật Bản, Singapore… Tại châu Âu, mô hình này được nhiều chuyên gia đánh giá là giải pháp để phục hồi sau Covid-19. Ở Việt Nam, khái niệm này được nhắc đến nhiều hơn trong vài năm trở lại đây và manh nha ứng dụng bởi các doanh nghiệp lớn và có chiến lược bài bản về phát triển bền vững.

“Hoạt động kinh tế từ trước đến nay vẫn chủ yếu dựa trên cách tiếp cận truyền thống dẫn đến tình trạng thiếu hụt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đặc biệt là gây ra ô nhiễm môi trường. Để phát triển nhanh, bền vững, hướng đi thích hợp là chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn”, ông Nguyễn Thế Chinh – Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường từng phát biểu.
Là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành sữa, đóng vai trò lớn trong thay đổi diện mạo ngành chăn nuôi bò sữa công nghệ cao, Vinamilk không ngừng mở rộng phạm vi của mình về phát triển bền vững, hướng đến sự cân bằng giữa tăng trưởng sản xuất, kinh doanh với trách nhiệm môi trường, xã hội.
Với 12 trang trại trải khắp cả nước, các dự án mới liên tục được đầu tư, quy mô đàn bò cũng theo đó tăng trưởng nhanh chóng, bài toán đặt ra cho Vinamilk về phát triển bền vững đã được giải như thế nào? Đặc biệt trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam ngày càng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước…

Một trong những nguyên tắc quan trọng trong chuỗi kinh tế tuần hoàn là hướng đến “không có gì bị loại bỏ”. Ở các trang trại của Vinamilk, chất thải chăn nuôi thông qua công nghệ thu gom, xử lý hiện đại và hệ thống Biogas được phân tách thành phân bón rắn, hoặc xử lý thành phân bón lỏng để bón đồng cỏ và phục vụ trồng cây cải tạo đất. Một “sản phẩm” khác của quy trình này là khí Metan, có thể đun nóng nước lên đến 90 độ, được dùng để vệ sinh thiết bị của trang trại và thanh trùng sữa bê. Ở một lộ trình dài hơn, bằng cách hướng đến giảm thiểu các nhiên liệu hoá thạch, nguồn nhiên liệu tái tạo này góp phần làm giảm đáng kể lượng phát thải CO2, từ đó giảm thiểu hiệu ứng nhà kính.

Mô hình chăn nuôi hữu cơ là một trong những chìa khóa quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của Vinamilk. Năm 2016, Trang trại Vinamilk Organic Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) của Vinamilk trở thành “Trang trại bò sữa hữu cơ đạt tiêu chuẩn châu Âu đầu tiên tại Việt Nam” do tổ chức toàn cầu Control Union (Hà Lan) chứng nhận. Đây là dấu mốc quan trọng trong hành trình của Vinamilk, không chỉ đặt mục tiêu nâng tầm ngành chăn nuôi bò sữa Việt về năng suất, mà còn hướng tới sự phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

Chọn vận hành theo tiêu chuẩn hữu cơ (organic), Vinamilk dồn lực đầu tư và triển khai đồng bộ từ nguồn đất, giống cỏ, trồng cỏ, thức ăn cho bò đến chăn nuôi, thú y, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường… Nguồn thức ăn chăn nuôi đến từ những đồng cỏ không biến đổi gen, hoàn toàn không có thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, đàn bò không hooc-môn tăng trưởng. Những điều kiện khắt khe của hệ tiêu chuẩn này không chỉ tạo ra sản phẩm sữa hữu cơ sạch, dinh dưỡng và an toàn mà còn góp phần quan trọng trong giảm ô nhiễm nguồn nước, làm sạch không khí, bảo vệ môi trường.

Đất là tài nguyên có vai trò quan trọng trong nông nghiệp, chăn nuôi. Tuy nhiên, hoạt động canh tác nông nghiệp lại tiềm ẩn những tác động làm thay đổi tính chất của nguồn đất, gây xói mòn, bạc màu, dẫn đến rủi ro khai thác không bền vững.

Ý thức được điều này, song song với tạo ra giá trị kinh tế, Vinamilk đặt mục tiêu khai thác có trách nhiệm nguồn tài nguyên đất, tối ưu hóa vòng tuần hoàn tái tạo đất trong chuỗi giá trị. Nguồn đất được quản lý, khai thác sao cho giữ lại tối đa giá trị và dinh dưỡng hữu cơ tự nhiên thông qua các hoạt động như chăn nuôi hữu cơ, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào canh tác đất, luân canh cây trồng, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn phân hữu cơ từ đàn bò.

Những kết quả bước đầu: Tính đến năm 2019, diện tích đồng cỏ hữu cơ cho chăn nuôi bò sữa của Vinamilk đã tăng gấp 10 lần so với năm 2016 khi doanh nghiệp mở trang trại Organic đầu tiên tại Việt Nam. Những năm gần đây, Vinamilk bắt đầu ứng dụng kỹ thuật canh tác nông nghiệp tiên tiến như theo công nghệ Nhật Bản tại nhiều trang trại bò giúp tăng độ màu mỡ, dinh dưỡng cho đất để thay thế cho hóa chất và phân vô cơ.

Tổ chức Liên hiệp Quốc dự báo đến năm 2030, nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên tăng gấp 3 lần so với hiện nay. Điều này vượt ngoài khả năng cung ứng của nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Một doanh nghiệp định hướng phát triển bền vững sẽ giảm sự phụ thuộc vào điện năng truyền thống bằng cách tìm đến năng lượng tái tạo nhằm giải bài toán về an ninh năng lượng, đồng thời giảm thiểu tác động gây ô nhiễm môi trường. Định hướng ưu tiên sử dụng công nghệ thân thiện môi trường và các năng lượng xanh được Vinamilk xác định là trọng tâm cho chiến lược phát triển bền vững.
Trang trại Organic Đà Lạt là một trong những trang trại đầu tiên đã được Vinamilk triển khai lắp đặt thử nghiệm hệ thống năng lượng mặt trời. Đây là bước đầu trong việc triển khai mở rộng dự án năng lượng này trong hệ thống các trang trại trên toàn quốc.

Trước đó, năm 2019, Vinamilk đã trang bị, đầu tư mới các thiết bị cơ giới, thiết bị điện công suất lớn ưu tiên công nghệ và động cơ thế hệ mới, tiết kiệm năng lượng, đáp ứng tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt, động cơ có chế độ tiết kiệm nhiên liệu; động cơ điện có sử dụng các bộ khởi động mềm, sử dụng biến tần… Kết quả, hệ thống giúp giảm đáng kể chi phí điện và góp phần giảm lượng CO2 thải ra môi trường.
Ông Trịnh Quốc Dũng – Giám đốc Điều hành Phát triển vùng nguyên liệu của Vinamilk khẳng định: “Định hướng của Vinamilk là xây dựng các trang trại bò sữa trở thành “hạt nhân” cho sự phát triển của ngành chăn nuôi bò sữa địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Ngoài ra, Vinamilk sẽ tiếp tục thực hiện tam nông, tạo sinh kế cho người dân vùng lân cận trang trại và phát triển nông nghiệp, chăn nuôi theo hướng bền vững để hình thành chuỗi liên kết giá trị”.

Năm 2017, Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025, nhằm hình thành nên ngành công nghiệp môi trường, có thể đáp ứng được các nội dung của nền kinh tế tuần hoàn. Chặng đường này đòi hỏi sự phối hợp của Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng, mà trong đó các doanh nghiệp Việt là mắt xích quan trọng để tạo nên thay đổi.
Để thực sự biến mô hình kinh tế tuần hoàn thành động lực của sự phát triển bền vững, các doanh nghiệp Việt không chỉ dừng lại ở “tư duy tuần hoàn”, mà cần sự đầu tư nghiêm túc, toàn diện về nguồn lực, công nghệ, con người theo một chiến lược lâu dài. Đây còn là sự dấn thân, đánh đổi những lợi ích ngắn hạn, trước mắt để đổi lại những giá trị bền vững theo thời gian, có ý nghĩa cho sự phát triển của doanh nghiệp, môi trường, xã hội.
Khẳng định kinh tế tuần hoàn là kim chỉ nam trong chiến lược phát triển bền vững của Vinamilk. Bà Mai Kiều Liên – Tổng giám đốc Vinamilk cho biết, Vinamilk sẽ đẩy mạnh hơn nữa các chương trình, sáng kiến phát triển bền vững; thiết lập bộ phận chuyên môn phụ trách về kinh tế tuần hoàn; nỗ lực hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững đã đề ra, hướng đến mục tiêu 30 công ty sữa lớn nhất thế giới và trở thành công ty sữa tạo ra nhiều giá trị nhất Đông Nam Á đến năm 2021.
“Vinamilk sẽ tiếp tục chinh phục những thách thức lớn hơn trong bối cảnh chung trên thế giới và Việt Nam hiện nay, để cùng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”, bà Mai Kiều Liên khẳng định.

Ngành nông nghiệp đang đối mặt với thách thức năng suất giảm do sự phát triển nhanh chóng cũng như thói quen làm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, khan hiếm và ô nhiễm nguồn nước… Do vậy vai trò của các doanh nghiệp tiên phong không chỉ hướng đến giải pháp phát triển ngành chăn nuôi bò sữa về năng suất mà còn chú trọng phát triển bền vững.

Với định hướng này, hướng tiếp cận của Vinamilk đưa ra là đầu tư và khai thác đều có đánh giá tác động rủi ro lên tự nhiên và môi trường. Mỗi hoạt động trong chuỗi giá trị đều hướng đến cơ hội ứng dụng kinh tế tuần hoàn trên nguyên tắc đầu tư xanh, khai thác có trách nhiệm, sử dụng hiệu quả và giảm thiểu, tái chế…
Với sự tiên phong và sáng tạo trong triển khai chiến lược phát triển bền vững, vừa qua Vinamilk dẫn đầu top 10 doanh nghiệp bền vững Việt Nam trong sản xuất 2020. Đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp Vinamilk được Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (CSI 100) vinh danh.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, để được đánh giá cao, Vinamilk không ngừng nỗ lực đáp ứng các tiêu chí sàng lọc khắt khe của bộ tiêu chí doanh nghiệp bền vững và đi đầu trong triển khai các sáng kiến. Bộ chỉ số CSI được xem là tiêu chí phát triển bền vững trong ba lĩnh vực gồm: kinh tế, môi trường và xã hội.

BẠN MUỐN GIỚI THIỆU MỘT NGHIÊN CỨU ĐIỂN HÌNH?

CHIA SẺ MÔ HÌNH

(143)