Hội nghị khởi động xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam

Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam chính thức được công bố (Ảnh: VnEconomy) 

Ngày 28 tháng 6 năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức “Hội nghị khởi động xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam” với sự tham gia của lãnh đạo đại diện thành viên Chính phủ, lãnh đạo Ban, ngành, địa phương, Trưởng đại diện các đối tác phát triển, Đại sứ, đại diện các doanh nghiệp lớn, các tổ chức phi chính phủ (NGO), các trường đại học, viện nghiên cứu và các chuyên gia đầu ngành về kinh tế tuần hoàn (KTTH). 

Tại Hội nghị, các đối tác trong nước và quốc tế đã cùng nhau chia sẻ về các mô hình KTTH đã thành công trên thế giới, trong khu vực và từ đó, xác định các mô hình phù hợp có thể áp dụng tại Việt Nam. Hộ nghị là cơ hội để các bên cùng trao đổi và thảo luận về các cơ chế, chính sách, nguồn lực tài chính để thúc đẩy các mô hình KTTH, qua đó, tăng cường hợp tác, huy động các nguồn lực, đặc biệt từ khối tư nhân trong việc xây dựng và triển khai mô hình KTTH tại Việt Nam, là công cụ quan trọng để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050. 

Bên cạnh phiên toàn thể, Hội nghị bao gồm các phiên chuyên đề tập trung vào các nội dung: (i) thúc đẩy hợp tác về KTTH thông qua tạo lập mạng lưới đối tác, chia sẻ kiến thức; (ii) tài chính đổi mới và công nghệ xanh về KTTH; (iii) các mô hình KTTH tại Việt Nam và (iv) thúc đẩy các giải pháp KTTH nhằm giảm thiểu tác động của ô nhiễm nhựa tới sức khỏe. Tại Diễn đàn, gần 20 gian hàng triển lãm trình diễn về khái niệm, cách tiếp cận và các mô hình KTTH được giới thiệu đến các đại biểu tham dự. 

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và nhấn mạnh rằng Việt Nam sẽ xây dựng và thực hiện các biện pháp giảm phát thải mạnh mẽ để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 bằng nguồn lực trong nước, cùng với sự đồng hành và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về phương diện tài chính và chuyển giao công nghệ, bao gồm các cơ chế thực hiện Hiệp định Paris. 

Hội nghị có sự tham dự của hơn 300 đại biểu trực tiếp và hàng trăm khách mời trực tuyến. (Ảnh: VnEconomy) 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Điều 142, Luật Bảo vệ môi trường, được Quốc hội thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2020, đã nêu rõ: Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện lồng ghép kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối.”  

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (Ảnh: VnEconomy) 

Kinh tế tuần hoàn là một cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam mà việc đầu tư vào hệ thống quản trị, phát triển thể chế và chính sách để thúc đẩy kinh doanh bền vững, giảm dần các ngành công nghiệp gây ô nhiễm sẽ giúp Việt Nam đảm bảo phục hồi kinh tế xanh trong tương lai. Chúng tôi tin rằng bằng các nỗ lực tập thể, chia sẻ dữ liệu, kiến thức và kinh nghiệm một cách cởi mở, kết nối các bên liên quan, sẽ giúp thay đổi tư duy, hướng đến sự chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn, phù hợp với nhu cầu, lịch sử và tham vọng của người dân Việt Nam. Do vậy, chúng tôi vui mừng đồng hành cùng với Bộ tài nguyên và môi trường và các đối tác phát triển ra mắt Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam.“, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nói. 

Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, Bà Caitlin Wiesen (Ảnh: TTXVN) 

Bà Caitlin Wiesen cho biết: “Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam nhằm mục đích nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực của tất cả các bên liên quan, bao gồm các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các đơn vị nghiên cứu, trong việc áp dụng các nguyên tắc tuần hoàn, tạo ra sự hiệp lực và tích hợp các nguồn lực tài chính và kỹ thuật để hỗ trợ quá trình chuyển đổi hướng tới một Việt Nam tuần hoàn và ít phát thải các-bon. CE Hub là nơi lưu trữ kiến thức khoa học và những thông tin chi tiết mới nhất từ các cộng đồng và nhà hoạt động hàng đầu trong lĩnh vực chính sách, nghiên cứu, đầu tư và giáo dục của nền kinh tế tuần hoàn. Đã có hơn 185 bài viết được xuất bản trên trang web bằng tiếng Việt và hơn 25 thành viên đã tham gia mạng lưới của chúng tôi. Chúng tôi hoan nghênh những hiểu biết, sự đóng góp và sự tham gia của bạn để CE Hub tiếp tục mở rộng và phát triển.” 

 

Trưởng đại diện thường trú UNDP, bà Caitlin Wiesen; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bà Elsbeth Akkerman, Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, và Ông Nguyễn Lê Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings tham quan gian hàng triển lãm Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 

Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành SCG chia sẻ “Kinh tế Tuần hoàn đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các công ty, khách hàng, chuỗi cung ứng và những bên liên quan tham gia trong chuỗi giá trị. Những nỗ lực chung và sự hợp tác giữa Bộ Tài Nguyên và Môi trường cùng Mạng lưới đối tác doanh nghiệp Thái Lan ngày hôm nay chính là một minh chứng rõ ràng nhất. Các doanh nghiệp Thái Lan đang nỗ lực hợp tác với các tổ chức công – tư tại Việt nam để triển khai nhiều dự án trong lĩnh vực này. Mục tiêu của chúng tôi là bắt tay cùng các đối tác để cùng phát triển hướng đến sự bền vững trong tương lai. Hơn thế nữa, tôi tin rằng, đây sẽ là một phần quan trọng hướng đến mục tiêu bền vững lớn hơn và phát thải các-bon ròng bằng không trong tương lai..” 


Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn SCG (Ảnh: VTV News) 

Chia sẻ

(92)