Dự án “Kinh tế tuần hoàn trong sản xuất ca cao”, sáng kiến mới thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị cacao tại Việt Nam

16 tháng 09 năm 2022 16/09/2022 - 16/09/2022 Offline Tiếng Anh, Tiếng Việt Địa chỉ: Hà Nội

Hà Nội – 16/9, HELVETAS Việt Nam và Trung tâm Phát triển Cộng đồng (CDC) đồng tổ chức hội thảo khởi động Dự án Kinh tế tuần hoàn trong sản xuất ca cao “Từ hạt ca cao đến thanh chocolate”. Dự án do Liên Minh Châu Âu (EU) tài trợ trong khuôn khổ chương trình SWITCH Asia hỗ trợ các nước châu Á chuyển dịch đổi kinh tế theo hướng giảm thiểu carbon, tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, và kinh tế tuần hoàn hướng một nền sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Ngành cacao Việt Nam có một quá trình phát triển không ổn định về quy mô sản xuất, đạt diện tích canh tác lớn nhất 25,000 ha vào năm 2012, tuy nhiên quy mô sản xuất đã giảm đáng kể do cạnh tranh từ tiêu và các loại cây ăn quả khác. Tổng sản lượng cacao hiện nay duy trì tương đối ổn định, đạt khoảng 5,000 tấn hạt khô vào năm 2020 (theo Bộ NN&PTNT), trong đó 40% sản phẩm đạt chất lượng rất tốt. Với chất lượng sản phẩm tốt và nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế ngày càng cao, các công ty cacao tại Việt Nam đang nỗ lực nâng cao giá trị gia tăng trong khâu chế biến vào sản phẩm cuối cùng phục vụ cho thị trường nội địa và khu vực.

Mục tiêu tổng thể của dự án thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành nông sản và trong các chính sách của Việt Nam, hướng tới tăng trưởng kinh tế công bằng và hạn chế các tác động có hại đến môi trường. Mục tiêu cụ thể là chuyển đổi phân ngành sản xuất ca cao/chocolate theo hướng kinh tế tái sinh, kinh tế tuần hoàn tại các các khâu quan trọng trong vòng đời sản phẩm, đồng thời thúc đẩy sự thay đổi trong các phân ngành nông sản thực phẩm khác. Dự án hướng tới đối tượng hưởng lợi cuối cùng là 3,500 nông dân sản xuất cacao thông qua việc cải thiện thu nhập cho họ nhờ việc áp dụng các kỹ thuật sản xuất theo hướng nông nghiệp tái sinh, đồng thời các doanh nghiệp sản xuất chế biến cũng được hưởng lợi từ việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.

Dự án hướng tới giải quyết các khó khăn và thách thức của ngành ca cao nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung, ví dụ như như rủi ro sử dụng hoá chất trong canh tác, sử dụng quá nhiều nguyên vật liệu trong sản xuất, thúc đẩy sản xuất bao bì thân thiện môi trường, các giải pháp tái chế phế thải và tiết kiệm năng lượng cũng như các đầu vào khác của sản xuất nông nghiệp. Các giải pháp số hoá truy xuất nguồn gốc cũng sẽ góp phần vào sự phát triển của chuỗi giá trị cacao theo hướng hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Dự án sẽ được thực hiện bởi HELVETAS Vietnam và CDC trong giai đoạn 2022-2026, trước mắt tại các tỉnh Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là lần đầu tiên Liên minh Châu Âu hỗ trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn cho ngành nông nghiệp. Tổng ngân sách dự án là 1,93 triệu EUR, trong đó 80% do Liên minh Châu Âu và 20% do Tổ chức Helvetas tài trợ.

Bà Kristina Buende, Trưởng Ban Hợp tác của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng rằng dự án này sẽ một ví dụ tiêu biểu của Việt Nam trong quá trình phát triển một nền nông nghiệp bền vững có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, bao gồm khối tư nhân, bên cung cấp dịch vụ, người tiêu dùng cũng như các định chế tài chính và các nhà hoạch định chính sách nhằm đạt được sự chuyển dịch kinh tế hơn nữa sang hướng carbon thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và phát triển các chuỗi giá trị tuần hoàn”.

Hội thảo khởi động Dự án có sự tham gia của đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các doanh nghiệp sản xuất chế biến cacao chính tại Việt Nam và các bên liên quan khác. Mục đích chính của hội thảo là giới thiệu thiết kế của dự án, cập nhật thông tin trong lĩnh vực  kinh tế tuần hoàn, đồng thời mở rộng mạng lưới đối tác dự án trong ngành ca cao và các ngành nông sản khác.

Chia sẻ

(154)