Quảng Ninh: Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững

Kinh tế tuần hoàn nằm trong Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh nhằm giải quyết nguy cơ cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm và suy thoái môi trường sống, các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang từng bước chuyển dịch mô hình sang “kinh tế tuần hoàn” với mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Ðây là mô hình kinh tế trong đó đặc biệt chú trọng đến quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, nhằm tránh tạo ra phế thải và ô nhiễm môi trường.



Bà Phan Thị Duyên – Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường và phát triển đất, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh phát biểu.


Đối với Quảng Ninh, thực hiện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, các sở, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp đã triển khai phát triển các mô hình Kinh tế tuần hoàn đối với chất thải từ hoạt động khai thác, sản xuất; tái chế, tái sử dụng trong khu công nghiệp; kiểm soát chặt chẽ nguy cơ ô nhiễm môi trường biển, nhất là trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long.


Tại Hội thảo, Thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh đã giới thiệu về Kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đó chính là lợi ích thiết thực của việc chuyển đổi sang mô hình Kinh tế tuần hoàn cũng như thực trạng và bối cảnh hiện nay của Việt Nam.


Ông Fujimuara Toshiki, Chuyên gia JICA và là cố vấn tăng trưởng xanh tại Quảng Ninh nhấn mạnh về kinh nghiệm của Nhật Bản khi từng bước chuyển sang nền Kinh tế tuần hoàn với mong muốn tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế của ngành công nghiệp, đồng thời góp phần bảo tồn môi trường xanh toàn cầu. Ngoài ra, tỉnh Shiga của Nhật Bản đang khuyến khích “mua sắm xanh” và đây cũng có thể là nội dung mà Quảng Ninh có thể tham khảo để thúc đẩy tăng trưởng xanh.


Việc chuyển dịch từ Kinh tế tuyến tính sang Kinh tế tuần hoàn đang là xu thế chung của toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Tuy nhiên, để thực hiện được định hướng này, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt doanh nghiệp là động lực trung tâm, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt và cộng đồng tham gia thực hiện để thay đổi cả về nhận thức và hành vi của toàn xã hội.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, bà Dương Thị Phương Anh đã đánh giá cao thế mạnh của Quỹ Bảo vệ môi trường và phát triển đất Quảng Ninh trong việc tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu. Rất nhiều các chương trình dự án của Quỹ tại Quảng Ninh được triển khai rất thực tế và có ý nghĩa thiết thực với cộng đồng. Đặc biệt là sự quan tâm, hỗ trợ, phối hợp rất lớn từ các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương cũng như sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Sắp tới khi Luật Bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực, đồng thời Chính phủ cũng ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, các văn bản quy phạm pháp luật khác cũng sẽ được ban hành bao gồm cả việc hoàn thiện các quy định về hỗ trợ tài chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, từ đó tạo một hành lang pháp lý thống nhất trong cả nước để cùng nhau hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.


Theo Thy Thu, Báo Tài nguyên & Môi trường

Chia sẻ

(73)